Chủ nhật, 18/08/2024, 22:45 (GMT+7)

QPT và các dự án nâng cao năng lực chủ động phòng tránh thiên tai

Trước bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp, Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai đã triển khai hàng loạt dự án nhằm nâng cao khả năng phòng tránh cho cộng đồng. Những dự án này không chỉ hỗ trợ hiệu quả trong công tác dự báo và cảnh báo mà còn bảo vệ cộng đồng trước những hiểm họa từ thiên nhiên.

Lắp đặt 843 trạm đo mưa tự động và 16 tháp cảnh báo sớm ngập lụt tại 48 tỉnh thành phố trên cả nước

Trước thực trạng công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ ở nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu trạm đo mưa, mật độ trạm đo mưa của ngành khí tượng thủy văn còn thưa so với yêu cầu. Đặc biệt, người dân còn thiếu thông tin cảnh báo mưa lớn tại khu vực đang sinh sống để chủ động có biện pháp ứng phó, hạn chế được thiệt hại do thiên tai.

Từ năm 2016, Quỹ cộng đồng phòng chống thiên tai đã vận động tài trợ từ Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential, thực hiện lắp đặt 20 trạm đo mưa tự động chuyên dùng cảnh báo mưa lũ ở cộng đồng tại 04 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam.

20 trạm đo mưa tự động này không chỉ cung cấp thông tin tại chỗ cho cấp cơ sở trong phòng tránh thiên tai mà còn góp phần tăng dày hệ thống quan trắc đo mưa, giúp ngành khí tượng và các cơ quan phòng tránh thiên tai có thêm dữ liệu phân tích trong dự báo, ứng phó. Từ những thành quả đầu tiên này, dự án lắp đặt trạm đo mưa tự động, cảnh báo sớm mưa lũ ở cộng đồng trở thành một trong những dự án vận động tài trợ thường niên trong mục tiêu hỗ trợ cộng đồng nâng cao năng lực tự phòng tránh thiên tai của QPT.

Qũy cộng đồng phòng tránh thiên tai hỗ trợ lắp đặt trạm đo mưa

Qũy cộng đồng phòng tránh thiên tai hỗ trợ lắp đặt trạm đo mưa

Hệ thống đo mưa tự động có thể cung cấp thông tin kịp thời về lượng mưa cũng như cảnh báo mưa lớn vượt ngưỡng cho cộng đồng người dân nơi đặt trạm; người dân, cán bộ, thôn xã sẽ theo dõi được lượng mưa theo thời gian thực qua phần mềm trên điện thoại thông minh hoặc máy tính. 

Những thông tin này không chỉ giúp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các xã nhanh chóng có phương án chuẩn bị mà còn giúp người dân chủ động trong sinh hoạt, sản xuất, tránh những thiệt hại do mưa lớn gây ra. 

Số liệu quan trắc mưa từ hệ thống này đang được đánh giá là số liệu chuẩn xác, kịp thời theo thời gian thực, tương thích với hệ thống quan trắc của ngành khí tượng thủy văn và các cơ quan phòng chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương. Kết quả vận hành ổn định, cung cấp dữ liệu mưa kịp thời và khá chính xác của các trạm đo mưa tự động do Qũy lắp đặt đã góp phần xây dựng nên một thống thống cảnh báo sớm mưa lớn tại cộng đồng.

Nhờ hệ thống này, cả người dân, cơ quan chức năng và cơ quan chuyên môn về phòng tránh thiên tai đều có thể dễ dàng ra quyết định trong việc ứng phó với mưa lũ. Dữ liệu từ hệ thống này hiện đang được kết nối dữ liệu trực tuyến vào cổng thông tin dữ liệu của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Tổng cục Khí tượng thủy văn, góp phần phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, chỉ đạo điều hành ứng phó với mưa lũ ở phạm vi cả nước.

Đến nay, số lượng trạm đo mưa tự động do Qũy hỗ trợ lắp đặt chiếm gần 50% số lượng trạm đo mưa chuyên dùng phòng chống thiên tai trong cả nước.

Chương trình xây dựng đội xung kích cứu hộ, cứu nạn cấp xã và hỗ trợ nhà nước xây dựng đội xung kích phòng chống thiên tai cấp cơ sở

Từ năm 2011 đến 2014, Quỹ đã hỗ trợ một số địa phương thành lập 85 đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, tổ chức 16 lớp tập huấn, trang bị thuyền và phương tiện cứu hộ cho các đội, góp phần phát triển lực lượng tại chỗ trong công tác phòng chống thiên tai của các địa phương.

Xây dựng đội xung kích cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương

Xây dựng đội xung kích cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương

Với những kinh nghiệm và hiệu quả thực tế của 85 đội xung kích cấp xã trên, Quỹ cùng một số cơ quan liên quan đã tích cực đề xuất và phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai trong việc xây dựng đội xung kích phòng chống thiên tai cấp cơ sở (xã/phường) trên toàn quốc. Trong hoạt động này, Quỹ đã đóng góp kinh phí đồng hỗ trợ xây dựng 13 đội xung kích tại một số xã điểm; hỗ trợ trang thiết bị cho 18 đội xung kích; phối hợp với Ban chỉ đạo Quốc gia trong việc xây dựng tài liệu tập huấn cho lực lượng xung kích; hỗ trợ kinh phí để in ấn bộ tài liệu “Hướng dẫn xây dựng và củng cố đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã” cấp phát cho 63 tỉnh/thành trên toàn quốc. Tài liệu này đã được ban hành theo Quyết định 08/QĐ TWPCTT ngày 27/3/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai để phục vụ công tác tập huấn cho các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã trong cả nước.

Chỉ sau 4 năm thực hiện (2018-2022), Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT đã chỉ đạo trên 90% các xã/phường trong cả nước xây dựng được đội xung kích tại địa phương với số thành viên tham gia là 774 nghìn người.

Đến năm 2023, Quỹ đã tiếp tục tham gia các hoạt động trong chương trình phối hợp với Tổng cục PCTT, cục TKCN, Hội Chữ thập đỏ về xây dựng đội xung kích PCTT cấp xã. Đồng thời Qũy cũng tiếp tục vận động các nhà tài trợ hỗ trợ các hoạt động xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực lực lượng xung kích PCTT cấp xã như tập huấn, diễn tập, trang bị phương tiện hoạt động.

Dự án trồng thí điểm 106 ha rừng ngập mặn phòng hộ bảo vệ đê biển tỉnh Thanh Hóa

Trồng và phục hồi triển rừng ngập mặn phòng hộ là giải pháp cực kỳ quan trọng để phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng nguồn lợi hải sản cho người dân nghèo vùng ven biển là việc làm hết sức cần thiết và ý nghĩa. Từ năm 2011 - 2014, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí cho UBND huyện Hậu Lộc trồng thí điểm 106 ha rừng ngập mặn phòng hộ ven biển nhằm bảo vệ 5/13km của tuyến đê biển huyện. Đây là khu vực có tuyến đê biển hàng năm thường xuyên bị sạt lở do mưa bão mà trước đây rất nhiều chương trình, dự án khác đã trồng rừng ngập mặn nhưng chưa thành công.

Sau bốn năm triển khai dự án (2010-2014), đến nay 106ha rừng ngập mặn do Quỹ Hỗ trợ trồng và phục hồi đã sinh trưởng và phát triển tốt: cây cao từ 5-7m tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, rừng đã khép tán chấn song chắn bão góp phần bảo vệ an toàn cho tuyến đê biển của huyện Hậu Lộc và đảm bảo cho cuộc sống của người dân không còn bị đe dọa khi mùa mưa bão đến.

Nguồn lợi hải sản tự nhiên đã tăng nhiều hơn khi có rừng trồng tạo sinh kế cho người dân nghèo có thêm nguồn thu nhập từ việc đánh bắt nguồn lợi hải sản tự nhiên ven rừng trồng; sau khi có rừng thì lượng phù sa bồi đắp ngày càng nhiều, nâng cao cốt đất và làm tăng thêm diện tích bãi bồi ven biển của huyện Hậu Lộc; đặc biệt là 05ha/106ha rừng trồng của Quỹ đã được Tổng cục Lâm Nghiệp - Bộ NN&PTNT đưa vào danh sách khu vực nguồn giống cây ngập mặn của Quốc gia.

Hỗ trợ trồng 106 ha rừng ngập mặn tại Thanh Hóa

Hỗ trợ trồng 106 ha rừng ngập mặn tại Thanh Hóa

Ngoài ra, các khu rừng ngập mặn còn giúp tăng cường lượng phù sa, nâng cao cốt đất và mở rộng diện tích bãi bồi ven biển của huyện Hậu Lộc, điều này không chỉ bảo vệ đất đai khỏi xói mòn mà còn tạo ra giá trị kinh tế cao hơn cho khu vực.

Đặc biệt, nghề nuôi ong lấy mật tại tại xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) rất phát triển. Năm 2017, Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc được thành lập. Hiện nay, sản phẩm mật ong rừng ngập mặn sú, vẹt đã trở thành sản phẩm Ocop 3 sao.

Được biết, toàn xã Đa lộc hiện có hơn 2.000 đàn ong với gần 600 hộ đang thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật. Các hội viên trong tổ hợp tác được tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, để mô hình ong phát triển bền vững lâu dài, có thương hiệu trong nước và quốc tế.

Thành công của các dự án trong 16 năm qua là niềm tin để Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai tiếp tục cùng các nhà tài trợ chia sẻ một mục tiêu chung đó là cùng kết nối cộng đồng, phòng tránh thiên tai, xây dựng một xã hội an toàn hơn trước những tác động khó lường của biến đổi khí hậu.

Chúng tôi đang hành động
vì thiên tai và biến đổi khí hậu

Xem thêm các bài viết khác