Chủ nhật, 25/08/2024, 14:12 (GMT+7)

Những điều chưa biết về dự án trồng thí điểm 106 ha rừng ngập mặn phòng hộ đê biển tại Thanh Hóa

Với đường bờ biển dài 102km, Thanh Hóa là địa phương đang chịu tác động mạnh mẽ của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trước tình hình này, Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí cho huyện Hậu Lộc trồng thí điểm 106 ha rừng ngập mặn phòng hộ ven biển

Sau nhiều năm triển khai, đến nay, Dự án rừng ngập mặn của Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai không chỉ giúp phục hồi môi trường biển, giảm thiểu rủi ro thiên tai và ngăn chặn xói lở bờ biển, mà còn tạo ra sinh kế bền vững cho hàng ngàn cư dân ven biển tại xứ Thanh.

Hàng rào bảo vệ tự nhiên

Sau nhiều năm triển khai dự án, đến nay 106ha rừng ngập mặn do Qũy hỗ trợ trồng và phục hồi đã sinh trưởng và phát triển tốt: Với chiều cao cây đạt từ 5-7 mét và tỷ lệ sống vượt trên 90%. Những khu rừng này không chỉ tạo thành hàng rào bảo vệ tự nhiên, giảm thiểu tác động của sóng và gió bão, mà còn bảo vệ an toàn cho tuyến đê biển dài 5 km của huyện Hậu Lộc. 

Ngoài ra, rừng ngập mặn Hậu Lộc còn có vai trò bảo vệ sự đa dạng sinh học, cũng như ngăn gió, sóng, bão ở các vùng cát ven bờ. Quan trọng điều hòa khí hậu, ngăn chặn xói mòn, lắng đọng trầm tích.

Với hệ thống tầng tán dày, rễ chắc chắn của cây rừng ngập mặn được đánh giá là một "lá chắn xanh" vững chắc chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm.

Trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển

Trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển

Góp phần tạo sinh kế cho bà con địa phương

Dự án trồng rừng ngập mặn không chỉ tạo ra một môi trường an toàn hơn mà còn mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội đáng kể cho cộng đồng địa phương. Một trong những thành công nổi bật của dự án là sự gia tăng nguồn lợi hải sản tự nhiên. Các khu rừng ngập mặn tạo ra môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài thủy sản, từ đó nâng cao sản lượng và chất lượng nguồn lợi hải sản.

Người dân địa phương, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo, đã có thêm cơ hội thu nhập nhờ vào việc đánh bắt hải sản ven rừng trồng. Nhờ có hệ thống rừng ngập mặn, đời sống của hàng trăm hộ dân ở xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), được cải thiện đáng kể. Nhiều gia đình khó khăn, không có tàu thuyền đi biển, hằng ngày vẫn có thể bắt con cua, ốc, cá...ở rừng ngập mặn để mưu sinh.

Việc gia tăng nguồn lợi hải sản không chỉ cải thiện thu nhập của cư dân mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững của khu vực. Ngoài ra, các khu rừng ngập mặn còn giúp tăng cường lượng phù sa, nâng cao cốt đất và mở rộng diện tích bãi bồi ven biển của huyện Hậu Lộc, điều này không chỉ bảo vệ đất đai khỏi xói mòn mà còn tạo ra giá trị kinh tế cao hơn cho khu vực.

Đặc biệt, nghề nuôi ong lấy mật tại tại xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) rất phát triển. Năm 2017, Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc được thành lập. Hiện nay, sản phẩm mật ong rừng ngập mặn sú, vẹt đã trở thành sản phẩm Ocop 3 sao.

Được biết, toàn xã Đa lộc hiện có hơn 2.000 đàn ong với gần 600 hộ đang thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật. Các hội viên trong tổ hợp tác được tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, để mô hình ong phát triển bền vững lâu dài, có thương hiệu trong nước và quốc tế.

Ông Vũ Văn Trung - Phó chủ tịch UBND xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Rừng ngập mặn Đa Lộc mang lại nhiều lợi ích, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên ven biển, góp phần giảm thiểu rủi ro để cải thiện quyền năng cộng đồng và khả năng sinh kế cho người dân.

Mô hình nuôi con ong lấy mật tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn có ý nghĩa trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, đặc biệt có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Nghề nuôi ong lấy mật đang đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình trên địa bàn xa. Mật ong sú, vẹt đã trở thành sản phẩm Ocop 3 sao của địa phương vào năm 2022. Hiện, xã Đan Lộc có 9420 khẩu (2300 hộ), tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản 220 ha, hộ nghèo toàn xã 3,14%, cận nghèo 8,08%”.

Điều đặc biệt là 5 ha trong tổng số 106 ha rừng trồng đã được Tổng cục Lâm Nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là khu vực nguồn giống cây ngập mặn của Quốc gia. Việc này không chỉ nâng cao giá trị của dự án mà còn góp phần bảo tồn và phát triển nguồn giống cây ngập mặn quý hiếm, một tài sản quý giá cho ngành lâm nghiệp và bảo vệ môi trường.

Từ những lợi ích về bảo vệ môi trường và kinh tế xã hội mang lại, dự án thí điểm trồng rừng ngập mặn phòng hộ đê biển được Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai đánh giá là dự án trọng tâm, cần nhân rộng.

Nói về điều này, Chủ tịch danh dự Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai Phan Diễn cho biết: "Qũy đang triển khai kế hoạch phát triển mô hình rừng phòng hộ bền vững, kết hợp hiệu quả kinh tế và phòng tránh thiên tai. Tại Quảng Bình, dự án thí điểm đang hỗ trợ người dân kéo dài thời gian trồng rừng sản xuất, nhằm tăng sinh khối và khả năng bảo vệ môi trường.

Quỹ cũng quan tâm đến việc trồng rừng ngập mặn ven biển ở Nam Bộ, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của xói lở. Các sáng kiến như làm kè kết hợp trồng rừng được kỳ vọng sẽ bảo vệ bờ biển, hạn chế xâm nhập mặn".

Chúng tôi đang hành động
vì thiên tai và biến đổi khí hậu

Xem thêm các bài viết khác