Thứ ba, 21/01/2025, 14:36 (GMT+7)
Lá chắn thiên tai gia tăng sinh kế QPT gửi trao người dân vùng hạn mặn
Dự án trồng rừng phòng hộ của Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai không chỉ bảo vệ đê biển mà còn là giải pháp bền vững phát triển hệ sinh thái và giúp ích cho người dân. Quỹ đã thực hiện thành công 2 “lá chắn xanh” tại vùng biển Thanh Hóa và Sóc Trăng, tạo tiền đề cho nhiều dự án tiếp theo.
Bảo vệ cộng đồng và gia tăng sinh kế
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, với đường bờ biển dài hơn 3.200 km thường xuyên bị tác động bởi nước biển dâng, bão lụt và xói lở đất. Những năm gần đây, các khu vực ven biển ngày càng đối diện với thiệt hại do gió bão từ biển, nước biển dâng, nguy cơ mất đất canh tác và đe dọa sinh kế của người dân.
Rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ sóng lớn, giảm xói lở bờ biển và bảo vệ đê điều trước áp lực của thiên nhiên. Ngoài ra, rừng còn là nơi trú ngụ của các loài động thực vật, giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản cho người dân. Đặc biệt, mỗi hecta rừng ngập mặn có thể giảm hàng trăm tấn khí CO2, góp phần chống lại biến đổi khí hậu.

Rừng ngập mặn ở Việt Nam
Nhận thấy tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai, Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai đã triển khai dự án trồng rừng ngập mặn phòng hộ dọc các tuyến đê biển. Mục tiêu không chỉ là tạo "lá chắn xanh" bảo vệ đê mà còn tái tạo hệ sinh thái tự nhiên, giúp người dân ven biển có thêm nguồn sinh kế bền vững.
Để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững, Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai áp dụng quy trình thực hiện bài bản cho các dự án trồng rừng ngập mặn. Trước tiên, Quỹ kết hợp cùng các đối tác tiến hành khảo sát hiện trạng tại các khu vực ven biển, đánh giá mức độ xói lở đất và điều kiện tự nhiên để xác định loại cây trồng phù hợp. Kế hoạch triển khai được xây dựng chi tiết, từ việc lựa chọn giống cây, phân bổ nguồn lực đến xác định thời gian trồng rừng tối ưu.

Quỹ phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra dự án trồng rừng
Cộng đồng dân cư được vận động tham gia thông qua các buổi tuyên truyền và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ngập mặn. Sau khi cây giống được chuẩn bị từ các vườn ươm đạt chuẩn, hoạt động trồng rừng được thực hiện đồng bộ, đảm bảo cây trồng có tỷ lệ sống sót cao. Trong giai đoạn chăm sóc và theo dõi, Quỹ cùng nhà tài trợ và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá sự phát triển của rừng, đồng thời thực hiện các biện pháp bổ sung cây nếu cần thiết.
Phủ xanh hơn 100ha đất ven biển
Nhận thấy ý nghĩa to lớn của việc trồng, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn phòng hộ là giải pháp cực kỳ quan trọng để phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng nguồn lợi hải sản cho người dân nghèo. Từ năm 2011 - 2014, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí cho UBND huyện Hậu Lộc trồng thí điểm 106 ha rừng ngập mặn phòng hộ ven biển nhằm bảo vệ 5/13km của tuyến đê biển huyện. Đây là khu vực có tuyến đê biển hàng năm thường xuyên bị sạt lở do mưa bão màn trước đây rất nhiều chương trình, dự án khác đã trồng rừng ngập mặn nhưng chưa thành công.

Dự án trồng rừng tại Hậu Lộc, Thanh Hóa
Sau bốn năm triển khai dự án, 106ha rừng ngập mặn do Quỹ Hỗ trợ trồng và phục hồi đã sinh trưởng và phát triển tốt: cây cao từ 5-7m tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, rừng đã khép tán chắn song chắn bão góp phần bảo vệ an toàn cho tuyến đê biển của huyện Hậu Lộc và đảm bảo cho cuộc sống của người dân không còn bị đe dọa khi mùa mưa bão đến.
Nguồn lợi hải sản tự nhiên đã tăng nhiều hơn khi có rừng trồng tạo sinh kế cho người dân nghèo có thêm nguồn thu nhập từ việc đánh bắt nguồn lợi hải sản tự nhiên ven rừng trồng; sau khi có rừng thì lượng phù sa bồi đắp ngày càng nhiều, nâng cao cốt đất và làm tăng thêm diện tích bãi bồi ven biển của huyện Hậu Lộc; đặc biệt là 05ha/106ha rừng trồng của Quỹ đã được Tổng cục Lâm Nghiệp - Bộ NN&PTNT đưa vào danh sách khu vực nguồn giống cây ngập mặn của Quốc gia.
Kinh phí thực hiện cho dự án này là hơn 09 tỷ đồng. Trong đó Quỹ vận động tài trợ gần 07 tỷ, số còn lại là nguồn vốn đối ứng của địa phương.
Thêm vào đó, dự án trồng rừng ngập mặn tại xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng do Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai thực hiện với sự tài trợ của Ngân hàng BIDV, là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ đê biển trước tác động của biến đổi khí hậu. Khởi động vào ngày 5/6/2024, nhân Ngày Môi trường thế giới, dự án đã phủ xanh 13 ha đất rừng ngập mặn ven biển với 32.500 cây mắm trắng, tương đương tổng kinh phí 2 tỷ đồng.

Dự án trồng rừng tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng
Thông qua quá trình triển khai, dự án không chỉ góp phần giảm thiểu xói lở đê biển mà còn tạo ra môi trường sống cho nhiều loài thủy sinh, thúc đẩy sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển, đặc biệt là đồng bào Khmer. Đoàn công tác kiểm tra thực địa vào tháng 10/2024 đã ghi nhận tỷ lệ sống ấn tượng của cây trồng, đạt 98%, cùng sự phát triển tích cực của hệ sinh thái trong khu vực.
Để đảm bảo hiệu quả lâu dài, Quỹ đã kêu gọi sự tham gia của các cơ quan chức năng và cộng đồng trong việc chăm sóc, bảo vệ và nhân rộng mô hình rừng ngập mặn. Với sự hỗ trợ của các bên liên quan, dự án trồng rừng sẽ ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng.
Dự án trồng rừng ngập mặn phòng hộ bảo vệ đê biển của Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai đã chứng minh được giá trị bền vững cả về mặt môi trường, kinh tế lẫn xã hội. Trong tương lai, Quỹ sẽ mở rộng diện tích trồng rừng tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế để huy động nguồn lực tài chính để dự án phát triển toàn diện và hiệu quả nhất.