Chủ nhật, 25/08/2024, 13:12 (GMT+7)

Chủ tịch danh dự Phan Diễn: Trái tim lớn của Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai

Mới đây, ông Phan Diễn, Chủ tịch danh dự Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai đã có cuộc trò chuyện cởi mở về những câu chuyện đằng sau hành trình 16 năm bền bỉ. Ở độ tuổi gần 90, ông vẫn đặc biệt say mê với công việc được coi là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

“Không thể ngồi đợi thiên tai xảy ra rồi mới đi cứu trợ”

Phóng viên: Thưa ông, Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai có thể coi như “đứa con tinh thần” vô cùng tâm huyết của ông. Vậy ông có thể chia sẻ về quá trình thai nghén và sự ra đời dự án này được không ạ?

Ông Phan Diễn: Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai thành lập vào năm 2008, bắt nguồn từ một sự kiện đau lòng cuối năm 2007 khi miền Trung hứng chịu thiên tai nặng nề. Lúc này, tôi và một số anh em doanh nghiệp đã kêu gọi quyên góp, cứu trợ đồng bào khắc phục hậu quả do thiên tai. 

Thời điểm đó, chúng tôi chỉ nghĩ số tiền kêu gọi được ít thôi. Nhưng không ngờ, con số lên tới hơn chục tỷ đồng. Lúc bấy giờ tôi cũng khá bất ngờ, không nghĩ rằng lại kêu gọi được số tiền lớn đến vậy. Bàn đi tính lại, chúng tôi quyết định nhờ báo Thanh Niên, lúc này cũng đang tổ chức quyên góp giúp đỡ đồng bào thiên tai chuyển đến cho đồng bào của các vùng bị lũ lụt. 

Qua đợt quyên góp ấy, chúng tôi nhận thấy, đồng bào cả nước vô cùng cảm thông và chia sẻ với đồng bào các nơi bị thiên tai lũ lụt. Nhưng miền Trung năm nào cũng phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai. Nếu cứ để thiên tai xảy ra rồi mới đi lo cứu trợ thì bị động quá. Từ đó, ý tưởng thành lập một tổ chức chính thức để hỗ trợ đồng bào miền Trung một cách chủ động và bền vững hơn đã hình thành.

Đầu năm 2008, chúng tôi đã soạn tờ trình gửi Bộ Lao động xin phép thành lập quỹ. Sau quá trình xem xét, đến tháng 9/2008, Bộ đã chính thức ra quyết định cho phép thành lập "Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai miền Trung". Sự ra đời của Quỹ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực hỗ trợ đồng bào miền Trung ứng phó với thiên tai một cách chủ động và hiệu quả hơn.

Ông Phan Diễn chia sẻ về quá trình

Ông Phan Diễn chia sẻ về quá trình "thai nghén" của Qũy cộng đồng phòng tránh thiên tai

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình từ “Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung” thành “Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai”

Ông Phan Diễn: Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung ban đầu được thành lập với mục đích đơn giản: kết nối các nhà hảo tâm trên cả nước để có nguồn kinh phí giúp đỡ đồng bào ven biển miền Trung. Lúc bấy giờ, Quỹ xác định phạm vi hoạt động trên 14 tỉnh ven biển miền Trung, từ Thanh Hóa cho đến Bình Thuận - khu vực hằng năm thường hứng chịu thiên tai nặng nề nhất. 

Đến năm 2018, chúng tôi nhận thấy thiên tai không chỉ xảy ra ở riêng miền Trung mà nhiều vùng miền khác cũng đang đối mặt với những thách thức lớn, chịu ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, sau 10 năm hoạt động, chúng tôi đã tích lũy được một số kinh nghiệm về hoạt động cứu trợ bà con. 

Trước tình hình đó, chúng tôi đã xin phép nhà nước đổi tên thành "Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai". Tên gọi mới này nhấn mạnh vào tôn chỉ và mục đích của Quỹ. Đó là hoạt động vì cộng đồng.

Không còn giới hạn trong phạm vi miền Trung, Quỹ có điều kiện mở rộng hoạt động ra cả nước. Kể từ đó, chúng tôi đã từng bước mở rộng phạm vi hoạt động, bắt đầu từ các tỉnh miền Nam, sau đó là các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nói tóm lại, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bất cứ nơi nào có nhu cầu và trong khả năng của mình, không còn bó hẹp trong phạm vi các tỉnh miền Trung nữa. Đây quả thực là một bước tiến đáng tự hào trong sứ mệnh của chúng tôi!

Ứng phó chủ động là mục tiêu hàng đầu

(Nguồn: Sưu tầm)

(Nguồn: Sưu tầm)

Phóng viên: Thưa ông, thông thường khi nói đến thiên tai, nhiều người hay nghĩ đến cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả. Vậy tại sao ông và Quỹ phòng tránh thiên tai lại đặt vấn đề phòng tránh (tức dự phòng) lên hàng đầu?

Ông Phan Diễn: Thông thường, khi thiên tai xảy ra, người dân chịu rất nhiều thiệt hại về người và của. Có những trường hợp vô cùng thương tâm khiến cả nước đều xót xa, cảm thông sâu sắc với đồng bào các vùng bị ảnh hưởng. Chính vì thế, người dân thường hướng về việc quyên góp, hỗ trợ sau khi thiên tai xảy ra.

Tuy nhiên, từ khi thành lập Quỹ, tôi đã nhận thấy việc chỉ đợi đến lúc thiên tai xảy ra mới tiến hành cứu trợ là chưa đủ hiệu quả, dù rất cần thiết. Chúng tôi đã trăn trở: Giá như có thể làm gì để giảm bớt đi tác động của thiên tai thì điều đó hiệu quả hơn rất nhiều so với việc để thiên tai xảy ra rồi mới đi cứu trợ. Thực ra nhiều khi thiên tai xảy ra rồi, gây ra thiệt hại rồi mình cứu trợ thì dù cứu trợ đến mấy cũng khó lòng bù đắp được.

Ví dụ đau lòng về nạn đuối nước ở trẻ em, nhất là khi có thiên tai. Thật xót xa khi nghĩ đến những sinh mạng trẻ thơ đã mất đi. Dù có giúp đỡ gia đình các em sau đó cũng không thể nào xoa dịu được những nỗi đau, mất mát. Vì vậy, chúng tôi hướng đến việc hỗ trợ xây dựng bể bơi tại trường học để các em có điều kiện học bơi và phòng tránh đuối nước.

Một ví dụ khác, khi đi khảo sát, chúng tôi được biết, mỗi khi bão đổ bộ vào tỉnh Thanh Hóa thì huyện Hậu Lộc luôn là nơi bị tàn phá nặng nhất. Chính vì thế, Nhà nước đã tiến hành xây dựng một con đê dài hơn 10 cây số. Nhưng hằng năm bão lũ, nước xói chân đê thì 3 - 4 năm một lần lại vỡ đê. Mỗi lần như thế để khắc phục hậu quả tốn kém vô cùng. Nếu số tiền đó được đầu tư vào các công trình phòng chống thiên tai từ đầu, thì có lẽ đã giảm thiểu được rất nhiều thiệt hại.

Đáng buồn là, việc phòng tránh thiên tai dù rất cần thiết nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Có những biện pháp dù rất đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao. Chẳng hạn sau những trận lụt, chúng tôi đến những vùng thiên tai đã tràn qua. Có những vùng người dân đã rất nghèo, nhà 1 tầng, chỉ có ít thóc, vài con lợn, con gà nhưng chỉ một trận lũ thì mất hết. Nhiều chị em phụ nữ đã chia sẻ với chúng tôi: Chỉ cần có một cái gác xép thì không mất bao nhiêu. Đã nghèo không có nổi các gác xép khi lũ đến mất hết. Thật tang thương!

Trước thực tế đau lòng này, chúng tôi nảy sinh ý tưởng cho các chị em nghèo vay vốn, vừa để phát triển kinh tế gia đình, vừa để xây dựng các công trình phòng tránh thiên tai tại nhà. Những dự án này tuy không tốn quá nhiều tiền, nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, giúp giảm bớt nỗi lo và thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Phóng viên: Thưa ông, trong thời gian đầu mới thành lập, danh tiếng của Quỹ chưa lan xa, Quỹ có gặp những khó khăn gì trong việc kết nối cộng đồng phòng tránh thiên tai?

Ông Phan Diễn: Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp, các tổ chức và các nhà hảo tâm trong việc thực hiện mục tiêu phòng tránh thiên tai, tạo ra một cộng đồng an toàn. Tuy nhiên, quá trình này gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thành lập.

Mình muốn giúp bà con thì cần phải có nguồn lực tài chính. Chúng tôi nhận thức rõ điều đó nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong vận động tài trợ. Sở dĩ ban đầu chúng tôi hoạt động được là nhờ người thân, bạn bè quen biết giúp đỡ. Họ giới thiệu, kết nối với những nhà tài trợ tiềm năng, doanh nghiệp có tiềm lực, ngân hàng, nhà hảo tâm... Chúng tôi luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ này. 

Khó khăn không chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu. Trong suốt quá trình hoạt động, Quỹ luôn đối mặt với bài toán làm sao vận động tài trợ để mình có nguồn kinh phí lớn, để có thể đảm bảo hiệu quả hoạt động?

Chúng tôi là một tổ chức khiêm tốn, nguồn lực cũng không nhiều. Vì thế, trong những ngày đầu, chúng tôi phải tìm hiểu đâu là những nhu cầu cấp thiết nhất đối với bà con vùng bị thiên tai đe dọa và đâu là những việc vừa sức mà Qũy mà mình có thể làm. Chính vì vậy, một trong những hoạt động trong ngày đầu tiên của Qũy là quyết định tổ chức những cuộc khảo sát các vùng bị thiên tai để tìm hiểu những nhu cầu, nguyện vọng của người dân cũng như tìm hiểu xem những việc gì vừa với sức của Qũy.

Đoàn kết và minh bạch: Chìa khóa để phát triển bền vững

Phóng viên: Điều khó khăn nhất đối với các hoạt động cộng đồng là làm thế nào để kết nối được các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để góp phần thực hiện an sinh xã hội, mà không phải tổ chức thiện nguyện nào cũng làm được điều đó. Tôi thấy ở QPT đã và đang làm rất tốt chuyện này. Vậy thì đâu là nguyên nhân khiến QPT trở thành cầu nối để kết nối các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm để cùng nhau thực hiện mục tiêu phòng tránh thiên tai tạo ra một cộng đồng an toàn trước thiên tai?

Ông Phan Diễn: Sự nghiệp phòng tránh thiên tai là một sự nghiệp vô cùng to lớn, chỉ có thể thực hiện khi có sự chung tay của nhà nước, của cả xã hội. Tổ chức của chúng tôi là một tổ chức khiêm tốn hơn, nhưng luôn khao khát đóng góp sức mình vào công cuộc này.

Ngay từ khi thành lập Quỹ, điều thôi thúc chúng tôi là bà con các vùng thiên tai rất cần sự giúp đỡ, trong khi đó bà con đồng bào cả nước cũng rất muốn chia sẻ, giúp đỡ. Chính những tấm lòng nhân ái này đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động của Qũy.

Khi vào hoạt động, chúng tôi càng thấy rõ có rất nhiều lực lượng xã hội cũng muốn đồng hành với Quỹ để cùng chia sẻ, cùng giúp đỡ bà con. Qũy vừa được thôi thúc bởi tình cảm cao đẹp đó, vừa nhận thấy vai trò cầu nối quan trọng của mình. Mặc dù nguồn lực ban đầu còn hạn chế, Qũy cũng đã nỗ lực để kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. May mắn thay, dù đi đến đâu, khi đặt vấn đề thì Qũy cũng đều nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ nhiệt tình từ phía chính quyền địa phương và người dân. 

Bản thân tôi cũng biết, để có thể kết nối rộng rãi các lực lượng của xã hội thì đối với những tổ chức từ thiện như Qũy, sử dụng nguồn kinh phí mà xã hội giao cho cần trách nhiệm, hiệu quả, phải đảm bảo mọi sự hỗ trợ đều đến tận tay những người dân cần được giúp đỡ. Tôi và các cộng sự luôn quan niệm rằng, uy tín và lòng tin của xã hội chính là chìa khóa để thu hút sự ủng hộ lâu dài. Khi người ta nhận thấy đây là một tổ chức tận tâm, thì có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tự động tìm đến để đóng góp mà không cần kêu gọi.

Khi đang trăn trở về nguồn lực cần thiết cho sự phát triển này, một nhà tài trợ lớn đã chủ động tìm đến chúng tôi - đó chính là tập đoàn Vingroup và Quỹ Thiện Tâm.

Trước đó, dù đã gửi nhiều văn bản giới thiệu đến các đơn vị khác nhau, chúng tôi chưa từng liên hệ trực tiếp với Vingroup. Thế nhưng, bất ngờ thay, chúng tôi nhận được lời đề nghị gặp gỡ từ lãnh đạo tập đoàn này. Các anh chị ấy là những doanh nghiệp vừa kinh doanh, vừa mong muốn làm những hoạt động từ thiện, hoạt động xã hội để hỗ trợ nhưng không có sức để tự mình làm điều ấy dù đã tổ chức hẳn ra một tổ chức từ thiện của riêng mình và sẵn sàng cấp kinh phí cứu trợ nhưng họ cũng vẫn không làm được như mong đợi. Vì vậy nên tập đoàn luôn tìm kiếm những tổ chức đáng tin cậy để gửi gắm tâm nguyện giúp đỡ cộng đồng. 

Với tinh thần đó, sau thời gian theo dõi, quan sát, họ nhận thấy hiệu quả và trách nhiệm trong hoạt động của Quỹ. Điều này khiến họ tin tưởng rằng nếu gửi những nguồn tài trợ cho Quỹ thì Quỹ có thể chuyển một cách chu đáo, hiệu quả đến cho bà con. Chính vì thế tập đoàn Vingroup mới chủ động đến với chúng tôi, các anh chị tự đặt ra nhiệm vụ sẽ kết nối lâu dài với quỹ với nguồn lực lớn. Chính vì thế Qũy mới có khả năng để hoạt động trong mọi miền đất nước.

Phóng viên: Theo ông, nhiệm vụ nặng nề nhất của Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai hiện nay là gì?

Ông Phan Diễn:  Hiện nay, và có lẽ lâu dài về sau, vấn đề vận động tài trợ luôn là một nhiệm vụ lớn. Như hiện nay, Qũy đã và đang gặp khó khăn do tình hình kinh tế chung. Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với thách thức trong hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy, nhiều nhà tài trợ truyền thống đã thu hẹp quy mô hỗ trợ.

Trong khi đó, nhu cầu hỗ trợ ngày càng tăng do tác động của biến đổi xã hội và biến đổi khí hậu. Thiên tai có xu hướng ngày càng phức tạp, đòi hỏi nhiều hoạt động ứng phó hơn, nhưng nguồn lực thì khó vận động được. Sau nhiều năm hoạt động, Quỹ đã xác định được nhiều loại dự án thích hợp và hiệu quả. Vấn đề bây giờ chính là nguồn lực, mà nguồn lực ấy thì bây giờ đang gặp khó khăn.

Khi chúng tôi mở rộng hoạt động Quỹ ra cả nước thì hoàn cảnh cũng tương tự lúc bấy giờ. Muốn mở rộng hoạt động cần có nhiều kinh phí hơn. Nhưng đúng lúc đó covid, không vận động tài trợ được. Rất may lúc bấy giờ có một số nhà tài trợ lớn chủ động đến với Qũy trong đó có tập đoàn Vingroup, Thành Long. Nếu không có những doanh nghiệp đó Qũy khó có thể đạt được kết quả như ngày hôm nay. Lần này lịch sử lại lặp lại, nhu cầu đang lớn nhưng khó khăn lại càng nhiều hơn!

images

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ về những dự án cộng đồng sắp tới của Quỹ được không ạ? 

Ông Phan Diễn: Hiện nay, Qũy làm được khoảng 11, 12 loại dự án, hầu hết chúng tôi đều cảm thấy rất hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của người dân. Nếu Quỹ có nguồn lực thì tất nhiên sẽ tập trung một số loại dự án có hiệu quả tốt nhất, bà con mong muốn cải thiện nhất. 

Đáng chú ý nhất là dự án cho chị em phụ nữ nghèo vay vốn không lãi giúp chị em có điều kiện phát triển nguồn kinh tế gia đình. Trên cơ sở ấy, họ cũng thực hiện một số hoạt động, công trình phòng tránh thiên tai ngay tại gia đình mình. Thường Qũy cho mỗi một hộ vay 25 triệu trong vòng 5 năm mà không có lãi. Dự án này là loại dự án rất hay. Nguồn vốn không bao giờ mất đi mà chỉ có lớn lên vì Quỹ không thu về. Nếu có lấy về thì vẫn để lại cho địa phương để cho chi hội phụ nữ địa phương họ cho người khác. 

Lúc đầu chúng tôi nghĩ người ta đã nghèo, người ta đã khó khăn mà mình lại cho người ta vay mà vẫn đòi lại gốc thì người ta lấy đâu mà trả. Thế nhưng thực tế người dân họ vẫn trả rất sòng phẳng, chỉ cần là không có lãi họ đã mừng lắm rồi. Thực ra trong khi thực hiện chương trình này, tôi nghĩ bụng: Mình cũng không cần thu hồi hết 100% vốn. Tuy mình đặt ra cái quy chế như thế, nhưng nếu chị em vì khó khăn mà có lý do chính đáng mà không trả được đầy đủ thì vẫn sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng cuối cùng thực tế là người dân trả rất đủ. Hiện dự án đã giải ngân 16 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới.

(Nguồn: Sưu tầm)

(Nguồn: Sưu tầm)

Một dự án nữa là xây dựng bể bơi cho các trường Tiểu học và Trung học cơ sở. Với 240 bể bơi, dự án nhận được sự hoan nghênh từ các địa phương. Nhìn các em được phát triển trong một môi trường tốt, chúng tôi cũng cảm thấy an ủi được phần nào.

Đặc biệt, Qũy cũng đang triển khai kế hoạch phát triển mô hình rừng phòng hộ bền vững, kết hợp hiệu quả kinh tế và phòng tránh thiên tai. Tại Quảng Bình, dự án thí điểm đang hỗ trợ người dân kéo dài thời gian trồng rừng sản xuất, nhằm tăng sinh khối và khả năng bảo vệ môi trường.

Quỹ cũng quan tâm đến việc trồng rừng ngập mặn ven biển ở Nam Bộ, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của xói lở. Các sáng kiến như làm kè kết hợp trồng rừng được kỳ vọng sẽ bảo vệ bờ biển, hạn chế xâm nhập mặn.

Tất cả những hoạt động này đều phải có kinh phí, nếu không có kinh phí thì không làm được, cho nên hiện nay kinh phí có thể là khó khăn lớn nhất đối với Quỹ.

Gắn bó cả cuộc đời với công tác xã hội

Phóng viên: Thưa ông, ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn miệt mài với hoạt động cộng đồng của Quỹ. Liệu có khi nào ông bị người thân hay bạn bè phàn nàn rằng bản thân đang “vác tù và hàng tổng” không?

Ông Phan Diễn: (Cười) Tôi tham gia vào những công tác xã hội như hoạt động của Quỹ, bản thân tôi thấy không có gì là mệt mỏi, không có gì làm cho mình căng thẳng. Đây không phải là việc “vác tù và hàng tổng” như nhiều người nghĩ, mà đúng hơn là niềm vui, niềm hạnh phúc khi tôi đem lại giá trị cho cộng đồng. Mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt trìu mến từ những người được Quỹ giúp đỡ chính là phần thưởng vô giá, khiến trái tim tôi ấm áp và tràn đầy hạnh phúc. Và điều quan trọng là tôi luôn có sự ủng hộ, động viên từ phía gia đình. Sự đồng hành ấy chính là nguồn sức mạnh to lớn, giúp tôi tiếp tục con đường lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng.

Phóng viên: Khi nhắc đến ông Phan Diễn, nhiều người cho rằng, ông chính là trái tim lớn, là người thuyền trưởng vĩ đại của Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Phan Diễn: (Cười) Tôi không muốn dùng những từ ngữ to lớn quá, tôi thấy mình tham gia vào Quỹ là một hoạt động đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, đồng thời cũng đem đến cho tôi niềm vui. Tôi không bao giờ suy nghĩ rằng mình không làm những việc này, chỉ có khi sức khỏe yếu đi, mình phải chọn lựa những công việc vừa sức để đảm bảo hiệu quả hơn. Hiện nay tôi đã thôi trực tiếp lãnh đạo Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai, tuy nhiên, về phần mình, tôi vẫn sẽ tiếp tục đóng góp trong khả năng của mình để hỗ trợ cộng đồng.

Phóng viên: Cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của ông. Chúc ông nhiều sức khoẻ để tiếp tục gắn bó với Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai.

Chúng tôi đang hành động
vì thiên tai và biến đổi khí hậu

Xem thêm các bài viết khác