Thứ năm, 19/12/2024, 15:37 (GMT+7)

Bí quyết giảm thiểu rủi ro cho ao đầm, lồng bè thủy sản khi có bão và áp thấp nhiệt đới

Đối với người dân vùng ven biển, ao đầm, lồng bè thủy sản là cả gia tài nuôi sống gia đình. Mỗi khi có bão hay áp thấp nhiệt đới, bà con đứng trước nỗi lo thiệt hại về mặt con người và kinh tế. Bài viết cung cấp những lưu ý quan trọng để bảo vệ lồng bè, ao đầm trước thiên tai.

Trách nhiệm của chủ ao đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản

Chủ ao đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản cần tuân thủ yêu cầu, hướng dẫn của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Đồng thời, sơ tán người lao động về nơi trú tránh an toàn; tuyệt đối không để người ở lại ao đầm, lồng bè, bãi nuôi nghêu ngao khi có bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ.

Bí quyết đảm bảo an toàn cho ao đầm thủy sản 

Theo dõi dự báo thời tiết để biết được cường độ gió, lượng mưa của cơn bão, từ đó có biện pháp gia cố bờ bao chắc chắn, đảm bảo an toàn khi mưa lũ lớn; phát quang những cành cây xung quanh bờ ao để tránh gió bão làm cành lá rơi xuống ao gây ô nhiễm ao nuôi.

Đặt ống xả tràn để thoát nước khi mưa lũ kéo dài và mực nước trong ao quá lớn; cài đặt lưới chắn xung quanh bờ ao với độ cao từ 40 đến 50 cm và chôn sâu từ 20 đến 30 cm dưới mặt đất nhằm giảm thất thoát, tránh thiệt hại sản xuất khi mưa lũ kéo; nạo vét, khơi thông cống rãnh, kênh mương để đảm bảo khả năng thoát nước tốt khi xảy ra mưa lũ.

Chuẩn bị cho ao đầm thủy sản trước bão

Chuẩn bị cho ao đầm thủy sản trước bão

Chuẩn bị các trang thiết bị, cơ sở vật chất, hóa chất nguyên nhiên liệu như lưới, đăng chắn, dụng cụ cọc tre, máy phát điện, mô tơ quạt nước, tàu thuyền, phao cứu sinh để có thể chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống bờ cống khi có tình huống xấu xảy ra.

Lưu ý quan trọng cho bà con là khi có dự báo bão, nên thu hoạch các loại thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm để giảm thiểu rủi ro mất trắng.

Thu hoạch ao đầm thủy sản đạt thương phẩm trước bão

Thu hoạch ao đầm thủy sản đạt thương phẩm trước bão

Bí quyết đảm bảo an toàn cho lồng bè thủy sản 

Các biện pháp bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản cần phải thực hiện nhanh chóng vì một khi đã có mưa to gió lớn sẽ rất khó thực hiện.

Kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng. Trong trường hợp không di chuyển được lồng, cần hạ lồng xuống thấp để giảm bớt sóng gió.

Gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản trước bão

Gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản trước bão

Che chắn mặt lồng bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để không để thủy sản nuôi lọt ra ngoài khi có thiên tai; thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước, đồng thời rải vôi từ 3 đến 5kg trước dòng chảy để phòng bệnh cho thủy sản; bố trí neo đậu và tuân thủ nghiêm các yêu cầu về phòng chống lụt bão của cơ quan quản lý địa phương.

Che chắn lồng bè thủy sản trước bão

Che chắn lồng bè thủy sản trước bão

Đồng thời, với lồng bè nuôi trồng thủy sản, bà con cũng nên thu hoạch các loại thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm để giảm thiểu rủi ro mất trắng.

Ngoài ra, để tránh thiệt hại về người người, bà con cần gia cố chòi canh, đảm bảo an toàn cho người lao động; tuân thủ nghiêm yêu cầu về bờ và vào trong đất liền khi có lệnh hoặc yêu cầu về bờ của địa phương và sơ tán khi cần thiết để đảm bảo tính mạng.

Thiên tai luôn là mối đe dọa lớn đối với ngành nuôi trồng thủy sản, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thiệt hại có thể được giảm thiểu đáng kể. Hãy luôn tuân thủ hướng dẫn từ cơ quan phòng chống thiên tai, chủ động gia cố và bảo vệ tài sản để đảm bảo an toàn cho cả con người lẫn thủy sản nuôi trồng.

Chúng tôi đang hành động
vì thiên tai và biến đổi khí hậu

Xem thêm các bài viết khác